Giáo dục di sản văn hóa ở bảo tàng, di tích: Ngỡ quen mà lạ

VHO- “Giáo dục di sản là một khái niệm tưởng như đã quen thuộc nhưng vẫn còn mới đối với một số bảo tàng ở Việt Nam. Quan điểm, cách tiếp cận mới và các phương pháp giáo dục di sản là vấn đề cần thiết và nhiều thách thức trong giai đoạn hiện nay…”.

Giáo dục di sản văn hóa ở bảo tàng, di tích: Ngỡ quen mà lạ - Anh 1

 

 Học sinh, sinh viên ở Hà Nội tham quan Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Tiến sĩ Lê Thị Minh Lý, Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam đã nhấn mạnh như vậy tại tọa đàm khoa học “Nâng cao hiệu quả giáo dục truyền thống thông qua di sản văn hóa ở bảo tàng, di tích”, do Cục Di sản văn hóa và Bảo tàng Lịch sử quốc gia tổ chức ngày 28.11, tại Hà Nội.

Cốt lõi của một bảo tàng

ThS Nguyễn Thị Thu Hoan, Phó Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia nhấn mạnh, giáo dục gắn với sự tham gia của cộng đồng được coi là nhiệm vụ quan trọng của một bảo tàng hiện đại.

Những năm gần đây, nhiều bảo tàng, di tích ở Việt Nam trong đó có Bảo tàng Lịch sử quốc gia đã không ngừng nỗ lực, nghiên cứu, tìm tòi, áp dụng các quan điểm, phương pháp giáo dục, trải nghiệm mới vào trong các chương trình, hoạt động giáo dục truyền thống thông qua di sản văn hóa nhằm cung cấp cơ hội học tập, khám phá, trải nghiệm cho công chúng; đưa bảo tàng, di tích đến gần hơn với công chúng và thu hút công chúng đến với bảo tàng. Theo đó, Bảo tàng Lịch sử quốc gia không chỉ thường xuyên tổ chức các chương trình, hoạt động giáo dục, trải nghiệm tại chỗ mà còn phối hợp với gần 30 bảo tàng, di tích trên cả nước để thực hiện các chương trình giáo dục trải nghiệm, lan tỏa mô hình hoạt động mà Bảo tàng đã, đang thực hiện tới các bảo tàng, di tích; qua đó góp phần giáo dục truyền thống, bồi đắp lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc, đóng góp vào việc giữ gìn, bảo tồn và phát huy những di sản quý giá của dân tộc.

“Nâng cao hiệu quả giáo dục truyền thống thông qua di sản là chủ đề được nhiều chuyên gia, nhà quản lý và người làm công tác bảo tàng, di tích ở Việt Nam thực sự quan tâm, nghiên cứu, mong muốn tìm kiếm cách thức, phương pháp giáo dục mới, phù hợp để áp dụng, đổi mới nhằm nâng cao hiệu quả công tác giáo dục ở bảo tàng, di tích…”, Phó Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia nhấn mạnh. TS Lê Thị Minh Lý, Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam cho rằng, giáo dục di sản là một khái niệm tưởng như đã quen thuộc nhưng thực tế vẫn còn mới mẻ với một số bảo tàng ở Việt Nam. Vì thế, chủ đề “Quan điểm, cách tiếp cận mới và các phương pháp giáo dục di sản” trong Tọa đàm này là sự cần thiết và nhiều thách thức. Để giải quyết những vấn đề đang đặt ra, có lẽ phải bắt đầu từ đánh giá một cách sâu sắc thực tiễn giáo dục di sản của một số bảo tàng đang triển khai hiện nay.

“Xét cho cùng thì bảo tàng loại hình gì, to nhỏ thế nào, công nghệ ra sao cũng nhằm giáo dục, giải trí và làm giàu tri thức. Giáo dục là mục tiêu, là thước đo hiệu quả hoạt động của bảo tàng. Giáo dục liên quan trực tiếp đến trưng bày và truyền thông nhưng lại có chuyên môn riêng. Vì thế, giáo dục tại bảo tàng là một khâu công tác độc lập, việc ghép hoạt động theo kiểu “trưng bày - tuyên truyền” sẽ làm giảm chức năng giáo dục của bảo tàng…”, TS Lê Thị Minh Lý nói. Sự phát triển các chương trình giáo dục trong các bảo tàng, di tích phản ánh tầm quan trọng của các thiết chế văn hóa này với xã hội trong xu thế hội nhập và toàn cầu hóa. TS Lê Thị Minh Lý phân tích, bảo tàng là thiết chế văn hóa giáo dục có đối tượng công chúng rộng rãi, trong đó thế hệ trẻ vừa là công chúng mục tiêu vừa là công chúng tiềm năng. Bước sang thế kỷ XXI, các bảo tàng được đặt trong tầm nhìn phát triển mới đòi hỏi phải “chuyên nghiệp”, “đạo đức” và “bền vững”. Muốn làm được điều đó bảo tàng phải “hoạt động thường xuyên”, “phục vụ xã hội”, phải “tiếp cận” được công chúng.

Giáo dục di sản văn hóa ở bảo tàng, di tích: Ngỡ quen mà lạ - Anh 2

 Quang cảnh buổi Tọa đàm

Cần phương pháp tiếp cận mới

Ông Nguyễn Hải Ninh, Trưởng phòng Quản lý Bảo tàng và Di sản Tư liệu (Cục Di sản văn hóa) nhìn nhận, bằng cách chia sẻ những giá trị của di sản văn hóa thông qua các hoạt động như trưng bày, các buổi hòa nhạc, sự kiện văn hóa, giáo dục di sản văn hóa…, bảo tàng tạo ra những cơ hội cho mọi người kết nối với di sản văn hóa, từ đó tạo sự hiểu biết và sự tương tác giữa các thế hệ. “Bằng cách giúp cho người trẻ tuổi hiểu rõ về di sản văn hóa và cảm nhận giá trị di sản, bảo tàng có nhiệm vụ góp phần xây dựng một lớp người có nhận thức và trách nhiệm đối với việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa”, ông Nguyễn Hải Ninh nhấn mạnh.

Theo ông Ninh, di sản văn hóa thường kết hợp nhiều khía cạnh như lịch sử, ngôn ngữ, nghệ thuật, tôn giáo, và xã hội. Sử dụng phương pháp tiếp cận đa ngành giúp học sinh hiểu rõ di sản văn hóa một cách toàn diện, thúc đẩy sự kết nối giữa các yếu tố khác nhau, khuyến khích tư duy sáng tạo khi họ thử nghiệm và tạo ra mối liên hệ giữa các lĩnh vực này. Nhấn mạnh giáo dục di sản văn hóa qua cơ hội tham quan không chỉ mở rộng kiến thức, nhận thức của mọi người về di sản văn hóa, mà còn thúc đẩy sự tôn trọng và yêu quý di sản văn hóa, ông Ninh cho rằng: “Thăm các di tích lịch sử, bảo tàng, hoặc các sự kiện văn hóa không chỉ giúp người tham quan tiếp xúc với hiện vật, cung cấp cảm xúc thật, trực tiếp từ di sản văn hóa, mà còn giúp họ kết nối với câu chuyện đằng sau những hiện vật…”.

Tuy nhiên, sự tích hợp nhiều chuyên ngành trong giáo dục di sản văn hóa, đặc biệt khi áp dụng phương pháp tiếp cận đa ngành có thể đối diện với nhiều khó khăn và thách thức. Một trong những vấn đề chính là sự đa dạng, phức tạp của thông tin và kiến thức từ các lĩnh vực khác nhau. Việc tích hợp kiến thức từ lịch sử, nghệ thuật, khoa học, văn hóa đòi hỏi sự hiểu biết sâu rộng và kỹ năng phân tích chuyên sâu. Bên cạnh đó, khó khăn lớn trong áp dụng phương pháp tiếp cận đa ngành trong hoạt động giáo dục của bảo tàng là sự thiếu vắng chuyên gia trong các lĩnh vực khác nhau. Phần lớn các chuyên gia tại bảo tàng thường có chuyên môn về lịch sử, khảo cổ học, dân tộc học…, trong khi thiếu sự đa dạng về chuyên ngành như âm nhạc, mỹ học, tâm lý học và các lĩnh vực khác. Một khó khăn khác là cân bằng giữa phát triển và bảo tồn. Trong khi phát triển đô thị, kinh tế và xã hội là mục tiêu quan trọng, bảo tồn di sản văn hóa cũng là một yếu tố không thể bỏ qua. Các chương trình giáo dục di sản cũng cần hướng tới những nhận thức cơ bản về sự phát triển có thể mang lại lợi ích kinh tế và sự tiến bộ cho cộng đồng, nhưng nó có thể đối diện với nguy cơ làm thay đổi và phá hủy di sản.

Chia sẻ về quan điểm tiếp cận mới trong xây dựng các chương trình giáo dục di sản tại bảo tàng, di tích, Trưởng phòng Giáo dục - Truyền thông (Trung tâm VHKH Văn Miếu - Quốc Tử Giám) Đường Ngọc Hà đồng tình rằng, giáo dục di sản ở nhiều bảo tàng, di tích vẫn đang trong tình trạng… mày mò. “Nếu Việt Nam rất tích cực trên trường quốc tế trong lĩnh vực ghi danh, quảng bá di sản, cũng như có những chương trình bảo tồn và phát huy di sản ở cấp độ quốc gia và địa phương thì giáo dục di sản dường như chỉ mới được chú ý đến trong thực hành và nghiên cứu khoảng 10 năm trở lại đây. Di sản cũng mới chỉ được nhìn nhận như tài nguyên du lịch trong phát triển kinh tế - xã hội chứ chưa được sử dụng một cách hữu hiệu vào công tác giáo dục…”, bà Đường Ngọc Hà chia sẻ.

Để các bảo tàng, di tích, khu di sản thực sự trở thành địa điểm học tập trải nghiệm thú vị cho thế hệ trẻ, theo bà Đường Ngọc Hà, các chương trình giáo dục di sản cần phải được xây dựng bài bản, có phương pháp và theo các phương pháp tiếp cận mới. Ở góc độ này, chuyên gia truyền thông Nguyễn Đình Thành cũng cho rằng, với kho tàng dữ liệu lớn về di sản văn hóa, giáo dục di sản cần có cách tiếp cận mới, sống động và cuốn hút. Các bảo tàng, di tích cần chuyển tải cho các đối tượng thụ hưởng giáo dục di sản thấy rằng, lịch sử rất gần gũi chứ không hề xa xôi…

Kết luận tọa đàm, Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa Phạm Định Phong nhấn mạnh, mỗi bảo tàng, di tích cần xây dựng kế hoạch, chương trình phát triển hoạt động giáo dục của riêng mình. Đặc biệt, cần tăng cường nắm bắt nhu cầu xã hội, công chúng, từ chức năng, nhiệm vụ, từ di sản mà mình đang quản lý, tiến hành nghiên cứu sáng tạo các hình thức, chương trình giáo dục, trải nghiệm hấp dẫn, đặc trưng, thực hành thường xuyên, gắn kết với các chương trình phát triển công chúng, truyền thông và marketing cho hoạt động này. 

 Giáo dục di sản là một khái niệm tưởng như đã quen thuộc nhưng thực tế vẫn còn mới mẻ với một số bảo tàng ở Việt Nam. Để giải quyết những vấn đề đang đặt ra, có lẽ phải bắt đầu từ đánh giá một cách sâu sắc thực tiễn giáo dục di sản của một số bảo tàng đang triển khai hiện nay.

Giáo dục là mục tiêu, là thước đo hiệu quả hoạt động của bảo tàng. Giáo dục liên quan trực tiếp đến trưng bày và truyền thông, nhưng lại có chuyên môn riêng. Vì thế, giáo dục tại bảo tàng là một khâu độc lập, việc ghép hoạt động theo kiểu “trưng bày - tuyên truyền” sẽ làm giảm chức năng giáo dục của bảo tàng…

(TS LÊ THỊ MINH LÝ)

 BẢO NGÂN

Ý kiến bạn đọc